Jacques Prévert và “Les feuilles mortes”

Jacques Prévert sinh năm 1900 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Neilly-sur-Seine gần thủ đô Paris của nước Pháp, có một người anh trai chết sớm vì bệnh thương hàn nên rất được cha mẹ yêu thương và có một thời thơ ấu rất êm đềm. Cha ông làm việc ở Trung tâm Cứu trợ người nghèo ở Paris, thường dẫn ông theo những khi thăm viếng những gia đình nghèo nên ông đã sớm có mối đồng cảm với những người thuộc tầng lớp lao động và những người kém may mắn trong cuộc sống. Ngoài công việc ở Trung tâm Cứu trợ, cha ông còn làm thêm công việc phê bình những vở kịch ở nhà hát cho một số tờ báo ở địa phương nên thường dẫn ông đi xem hát và thế giới sân khấu đầy sắc màu đã sớm kích thích trí tưởng tượng của ông. Ông đã thấy chán ngán không khí buồn tẻ trong trường học nên đã bỏ học sớm khi mới 14 tuổi và về sau, ông tự hào kể rằng chính đường phố đã dạy dỗ ông nên người.

Năm 1920, ông đi quân dịch và trong thời gian đóng quân ở Lunéville, miền Đông nước Pháp, làm quen với Yves Tanguy, một người bạn về sau sẽ trở thành một họa sĩ theo trường phái Siêu thực, rồi năm sau, khi chuyển đến thành phố Constantinople của Thổ Nhĩ Kỳ lại làm quen thêm với Marcel Duhamel, một người bạn về sau sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Sau khi xuất ngũ, Prévert và hai người bạn thân trở về Paris, bắt đầu một cuộc sống lang bạt phóng túng tại khu Montparnasse gần Paris, một nơi có nhiều văn nghệ sĩ của kinh đô ánh sáng. Sau khi kết hôn với người bạn gái Simone Dienne, ông và hai người bạn được giới thiệu tham gia nhóm Siêu thực của những nhà thơ trẻ tuổi chống lại những ước lệ trong xã hội và trong nghệ thuật và mặc dù không trở thành một trong những thủ lĩnh của nhóm nhà thơ trẻ có tinh thần cấp tiến này, ông đã mang lại nhiều cảm hứng cho những người bạn nhờ óc khôi hài và tính tình phóng khoáng. Sự liên kết của ba người bạn với nhóm Siêu thực chấm dứt vào năm 1928 do bất đồng ý kiến trầm trọng với André Breton, một trong những thủ lĩnh của nhóm Siêu thực. Prévert vào làm việc cho một công ty quảng cáo và bắt đầu sáng tác thơ.

Thiện cảm với những người cánh tả đã đưa Prévert đến với Nhóm Tháng Mười (Groupe Octobre), một nhà hát vốn có mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp và trong một thời gian ngắn, ông đã viết những vở kịch pha trộn tinh thần tự do của phái Siêu thực với quan điểm chính trị của cánh tả. Năm 1933, ông theo Nhóm Tháng Mười sang Liên Xô dự buổi ra mắt vở kịch “Trận chiến Fontenoy” (La Bataille de Fontenoy) do ông sáng tác và bắt đầu viết một số ca khúc cho những ca sĩ như Marianne Oswald. Giữa thập niên 1930, Prévert hợp tác với một số đạo diễn điện ảnh như Jean Renoir, Marcel Carné, viết kịch bản phim và lời thoại. Thời kỳ này, ông chia tay với người vợ đầu Simone Dienne và bắt đầu yêu Jacqueline Laurent. Năm 1936, Nhóm Tháng Mười tan rã và bài thơ “Thập tự giá trên không trung” (La Crosse en l’ air) của ông ra mắt độc giả. Năm 1940, khi phát xít Đức chiếm nước Pháp, ông chuyển về miền Nam, tiếp tục cộng tác với các đạo diễn để thực hiện một số bộ phim.

Đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca của Prévert là năm 1945, khi Thế chiến thứ hai vừa kết thúc: sau khi bài thơ “Những đứa con của thiên đường” (Les Enfants du paradis) ra mắt, ông cho ấn hành “Paroles”, một tuyển tập thơ rất thành công, bán được nửa triệu bản. Nhà phê bình Lawrence Ferlinghetti nhận định rằng “thơ của Prévert nói với những người trẻ tuổi ở Pháp ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc, những người đã lớn lên trong thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng, cảm thấy hoàn toàn xa lạ với Giáo hội và chính quyền”, còn nhà phê bình nổi tiếng Gaeton Picon đã gọi ông là “nhà thơ đích thực duy nhất cho tới lúc này đã thành công trong việc vượt qua biên giới của một công chúng thơ hạn hẹp và chuyên biệt”. Thơ của Prévert đã nổi tiếng khắp nơi từ khi Joseph Kosma hợp tác với ông để phổ nhạc một số bài thơ trong tập “Paroles”.

Năm 1951, ông cho in “Spectacle”, một tuyển tập thơ và kịch, rồi 4 năm sau cho in tiếp tập thơ “La pluie et le beau temps” (1955). Năm 1955, ông trở về Paris và đã nổi tiếng đến mức những người lạ mặt gặp ông ngoài đường đã tới chào ông và đọc thuộc lòng cho ông nghe những câu thơ của ông. Sau một thời gian bị bệnh, ông từ trần ngày 11 tháng 4 năm 1977 ở Normandie và người bạn của ông là đạo diễn Marcel Carné đã gọi ông là “nhà thơ duy nhất của điện ảnh Pháp mà khí chất và thơ đã nâng được những điều tầm thường lên đỉnh cao của nghệ thuật”.

Bài thơ nổi tiếng nhất của Jacques Prévert là bài thơ “Les feuilles mortes” ông viết để làm lời ca cho một bản nhạc trong một bộ phim của Marcel Carné. Năm 1945, đạo diễn Marcel Carné rất yêu thích vở ballet “Cuộc hẹn” (Le Rendez-vous) của Roland Petit và có ý định chuyển thể thành một bộ phim nên đã nhờ Jacques Prévert viết kịch bản và đặt lời cho bản nhạc nhạc sĩ Joseph Kosma đã soạn cho các diễn viên múa. Trong bộ phim ra mắt năm 1946 với cái tên “Những cánh cửa của đêm tối” (Les portes de la nuit), một bộ phim thất bại hoàn toàn về doanh thu, hai nhân vật chính Diego (Yves Montand đóng) và Malou (Nathalie Nattier đóng) chỉ hát vài câu trong bản nhạc của Joseph Kosma với cái tên “Les feuilles mortes” (Lá thu) và ai cũng ngỡ nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên như bộ phim, nhưng điều bất ngờ là ca từ thấm đượm chất thơ của Jacques Prévert và giai điệu cuốn hút đã giúp cho nó có được một đời sống độc lập với bộ phim suốt nhiều năm sau đó.

“Les feuilles mortes” là lời tâm sự của một người đàn ông với người yêu của “những ngày hạnh phúc”, thuở hai người còn ở bên nhau, cùng nghe một bài hát cũng thiết tha như tình cảm dành cho nhau, thấy cuộc sống ở chung quanh thật tươi đẹp và nắng vàng thật rực rỡ. Rồi cuộc sống đã làm cho hai người phải chia tay âm thầm, lặng lẽ, gió lạnh của mùa đông đã thổi về, nhưng ở nơi thẳm sâu của tâm hồn người đàn ông, “tình yêu thầm lặng và thủy chung vẫn nở nụ cười rạng rỡ” và vẫn còn lại mãi hình ảnh cô gái xinh đẹp không thể nào quên:

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Des jours heureux quand nous étions amis,
Dans ce temps là, la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Tu vois je n’ai pas oublié.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi,
Et le vent du nord les emporte,
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié,
La chanson que tu me chantais…

C’est une chanson qui nous ressemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Et la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis.

Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Et la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis…

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?

En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai.

(Anh mong rằng kỷ niệm của đôi ta
Sẽ đọng mãi trong tâm hồn đôi ta
Những niềm vui và biết bao hạnh phúc
Ôi cuộc đời thuở ấy đẹp làm sao!
Mặt trời rực sáng hơn ngày hôm nay
Những chiếc lá khô rụng đầy trước ngõ
Ta gom những chiếc lá khô cho vào trong xẻng
Em thấy không, anh vẫn chưa quên

Ta gom những chiếc lá khô cho vào trong xẻng
Cùng niềm vui, hạnh phúc xa xưa
Và cơn gió lạnh lùng mang chúng
Vào trong đêm tối của lãng quên
Em thấy không, anh vẫn chưa quên
Bài hát yêu xưa mà em từng hát.

Bài hát ấy như cuộc đời chúng ta
Cũng đôi lứa yêu nhau tha thiết
Cũng bên nhau và đắp xây mộng đẹp
Nhưng cuối cùng nào có được bên nhau
Họ xa nhau cũng êm ái, ngọt ngào
Khi biển xoá những dấu chân trên cát
Để những đôi tình nhân không còn dấu vết gặp nhau.

Hai chúng ta đã từng bên nhau
Và từng yêu nhau tha thiết
Cùng bên nhau đắp xây mộng đẹp
Nhưng cuối cùng nào có được bên nhau
Họ xa nhau cũng êm ái, ngọt ngào
Khi biển xóa những dấu chân trên cát
Để những đôi tình nhân không còn dấu vết gặp nhau.

Ta gom những chiếc lá khô cho vào trong xẻng
Cùng niềm vui hạnh phúc xa xưa
Nhưng tình anh vẫn âm thầm lặng lẽ
Luôn bên em với niềm vui đợi chờ
Anh luôn thầm cảm ơn cuộc sống
Đã cho anh gặp em, người đẹp của anh
Hãy nói đi anh phải làm sao
Mới có thể quên đi hình ảnh ấy.

Cuộc đời thuở ấy đẹp làm sao
Mặt trời rực sáng hơn ngày hôm nay
Trong anh, em vẫn thơ ngây
Dù anh vẫn còn tiếc nuối
Bái hát yêu xưa mà em từng hát
Suốt cuộc đời anh vẫn còn nghe…)

Nhạc sĩ Johny Mercer đã đặt lời tiếng Anh với tựa đề “Autumn leaves”:
The falling leaves
Drift by the window
The autumn leaves
Of red and gold
I see your lips
The summer kisses
The sunburned hands
I used to hold
Since you went away
The days grow long
And soon I’ll hear
Old winter’s song
But I miss you most of all
My darling
When autumn leaves
Start to fall.

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã đặt lời Việt cho ca khúc này với tựa đề “Lá thu phai”:

Vàng rơi dăm cánh dạt qua song vắng
Hồn mùa xa đỏ quạnh thu phong
Hạ tàn môi em nồng nàn trao
Cầm đôi tay ngoan sợ nắng phai dần
Từ xa khuất hình bóng ngày dài trông mong
Nghe chừng đông sang, lời hát âm vang
Lòng ray rứt mãi tiếc nhớ người vắng xa
Khi ngàn lá thu phong bắt đầu rơi
Tưởng bài hát cũ bền duyên đôi lứa
Tưởng em yêu tôi và tôi yêu em
Tình ngùn ngụt cháy tưởng như mãi mãi
Tưởng yêu không thôi mà mất nhau rồi
Mà ngăn cách dường ấy, tiếng đời phôi pha
Nghe từng lặng lẽ chìm khuất trong ta
Biển im vắng bỗng xôn xao dậy gió cát bay
Mà xóa dần dấu chân ai biết tìm ai.

Ca khúc “Les feuilles mortes” với giọng ca Francoise Hardy:
https://youtu.be/CrR4fVUd1cs

Ca khúc “Les feuilles mortes” với giọng ca Dalida:
https://youtu.be/IZzsHWsWFF0

Ca khúc “Autumn leaves” với giọng ca Doris Day:https://youtu.be/VZMD_2RZrm4

Ca khúc “Les feuilles mortes” với giọng ca Yves Montand:https://youtu.be/Xo1C6E7jbPw

Ca khúc “Les feuilles mortes” Yves Montand hát trong phim “Les portes de la nuit”:
https://youtu.be/JWfsp8kwJto

Ca khúc “Les feuilles mortes” với giọng ca Andrea Bocelli:
https://youtu.be/rvdIrcSxhKA

Ảnh: Jacques Prévert, thủ bút trong bài thơ “Les feuilles mortes” và poster phim “Les portes de la nuit”

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Không có mô tả ảnh.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

About To Lich's Blog

THƯỢNG VÀNG - HẠ CÁM!
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

1 Response to Jacques Prévert và “Les feuilles mortes”

  1. Pingback: Les 16 jacques prévert les feuilles mortes – fr.aldenlibrary.org

Leave a comment